Diễn biến Chiến_dịch_Kharkov_(1941)

Chiến sự từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 10

Xe thiết giáp của tập đoàn quân 6 Đức tại ngoại vi Kharkov, tháng 10 năm 1941

Cuối tháng 9 năm 1941, theo chỉ thị của Bộ tư lệnh tiền phương Mặt trận hướng Tây Nam, để loại trừ nguy cơ bị hợp vây trên tuyến phòng thủ, tập đoàn quân 6 của tướng R. Ya. Malinovski đã tiến hành các hoạt động tích cực công kích tại khu vực Krasnograd để giải toả thành phố và cắt đứt mũi tiến công của đối phương. Giao tranh ác liệt tại khu vực này vẫn tiếp tục cho đến thời điểm ngày 5 tháng 10 năm 1941, nhưng bất chấp những nỗ lực tối đa của quân đội Liên Xô, các quân đoàn 44 và 52 của quân đội Đức Quốc xã vẫn giữ được các vị trí của họ.[50].

Ở các khu vực còn lại của mặt trận cũng đang diễn ra các cuộc chạm súng tại các địa bàn quan trọng. Trên hướng Poltava, sư đoàn bộ binh 76 thuộc tập đoàn quân 38 trong khi giữ vị trí phòng thủ tại Chudovo (???) đã bị nửa hợp vây.[51] Tại cánh Bắc, ngày 30 tháng 9, sư đoàn xe tăng 9 và sư đoàn cơ giới 25 của tướng Heinz Guderian từ Synyavka đã chọc thủ phòng tuyến của sư đoàn kỵ binh 5 thuộc tập đoàn quân 21 (Liên Xô), tấn công các thị trấn Vasylivka và Stepovka. Tướng P. A. Belov, tư lệnh quân đoàn kỵ binh 2 chỉ có thể đối phó bằng lữ đoàn xe tăng 1 duy nhất có trong tay. Ngày 31 tháng 10, sư đoàn cơ giới 25 (Đức) mở cuộc tấn công vu hồi vào sau lưng sư đoàn kỵ binh 9, đánh chiếm Stepovka. Từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 10, các đơn vị cánh trái của tập đoàn quân 40 được tăng cường sư đoàn cơ giới cận vệ 1 phối hợp với cánh phải của tập đoàn quân 21 đẩy lùi sư đoàn xe tăng 9 và sư đoàn cơ giới 25 (Đức) ra khỏi Stepovka nhưng không còn lực lượng dự bị để tiếp tục tấn công.[52]

Ngày 30 tháng 9, tập đoàn quân 17 và tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) tăng cường gây sức ép và chọc thủng đoạn phòng tuyến của Phương diện quân Nam (Liên Xô) tại Pavlograd, hợp vây một phần lực lượng của các tập đoàn quân 9 và 18 (Phương diện quân Nam) tại phía đông Dniepropetrovsk. Ngày 5 tháng 10 năm 1941, sư đoàn 14 và sư đoàn cơ giới 10 (Đức) đã tiến sát Oryol, cắt đứt con đường giao thông chiến lược giữa MoskvaKharkov (cả đường sắt và đường bộ)[53]. Trong khi đó, tại khu vực chính diện phía trước Kharkov, tập đoàn quân 38 do tướng V. V. Tsyganov chỉ huy vẫn cầm cự được với tập đoàn quân 6 (Đức) tại khu vực Tây Nam Bogodukhov. Phương diện quân Tây Nam (Liên Xô) một lần nữa bị đe dọa hợp vây từ cả hai cánh Bắc và Nam[54]. Trên cơ sở đánh giá tình hình, Nguyên soái S. K. Timoshenko, phụ trách các Phương diện quân Tây Nam và Nam một mặt tập trung tăng viện cho tập đoàn quân 6 đã phòng thủ phía trước tuyến Krasnograd - Poltava vốn đã suy yếu sau mấy trận phản kích; mặt khác, đề nghị Bộ Tổng tư lệnh tối cao cho tiếp tục rút quân.[55].

Tình hình chiến sự tiếp tục leo thang tại khu vực phía nam của Phương diện quân Tây Nam: ngày 7 tháng 10 năm 1941, tuyến phòng thủ tại điểm tiếp giáp giữa tập đoàn quân 38 và tập đoàn quân 6 (Liên Xô) tiếp tục bị vỡ sau các đòn đột kích của tập đoàn quân 17 (Đức). Quân Đức đã đánh chiếm các đầu mối giao thông đường sắt lớn tại Lozova và Bliznyuky, giao thông đường sắt giữa Kharkov và Rostov trên các tuyến Donetsk đã bị quân Đức kiểm soát. Tập đoàn quân 6 (Liên Xô) bị mất liên lạc với các đơn vị bên cạnh và có nguy cơ bị hợp vây. Bộ Tư lệnh phương diện quân đã điều động ba sư đoàn thuộc tập đoàn quân dự bị 10 đến khu vực Donbass để giúp tập đoàn quân 6 rút lui về phía đông thêm 40–50 km. Trong quá trình truy kích quân đội Liên Xô đang rút lui, tập đoàn quân 11 (Đức) đánh chiếm các vị trí dọc đường cao tốc Krasnograd-Kharkov, uy hiếp tấn công thành phố này từ phía nam. Đến ngày 15 tháng 10 năm 1941, Phương diện quân Tây Nam phòng thủ tuyến Krasnopole-Sumy-Bogodukhov-Kharkov-Donetsk gồm hầu hết các đơn vị bộ binh mà phần lớn mới chỉ có trên giấy tờ. Các đơn vị đó thực chất còn đang trên đường hành quân, gồm toàn tân binh mới được bổ sung chưa qua huấn luyện; không được tập trung đầy đủ mà được đưa từng phần vào các trận đánh, dẫn đến tổn thất lớn.[56]

Đến ngày 6 tháng 10, Cụm tập đoàn quân Nam và cánh phải của cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) đã tiến sâu về phía đông trên cả hai cánh phòng thủ của Phương diện quân Tây Nam với chiều sâu từ 60 đến 200 km. Liên lạc giữa Phương diện quân Tây Nam với Phương diện quân Bryansk và Phương diện quân Nam bị cắt đứt. Trong điều kiện đó, ngày 7 tháng 10 năm 1941, Bộ Tổng tư lệnh tối cao buộc phải đồng ý với đề nghị của Bộ Tư lệnh Phwong diện quân Tây Nam cho rút quân tại cánh phải (các tập đoàn quân 40 và 21) thêm 45 đến 50 km để bảo vệ tuyến Sumy - Akhtyrka - Kotelva - Belgorod và phía bắc các tuyến tiếp cận Kharkov. Cuộc rút quân được ấn định trong ba ngày 8, 9 và 10 tháng 10[54]. Phát hiện quân đội Liên Xô rút lui, quân đội Đức Quốc xã lập tức truy đuổi và liên tục đột kích vào điểm nối giữa các quân đoàn của Liên Xô. Ngày 10 tháng 10, sư đoàn bộ binh 227 đã bị quân Đức tập kích, trung đoàn 777 của sư đoàn này bị đánh tan trên đường rút lui. Cùng ngày, quân đoàn bộ binh 29 (Đức) đã nhanh chóng tiến đến gần Sumy, quân đoàn bộ binh 51 (Đức) đã đến trước cửa ngõ Akhtyrka.[54][57]

Giữa tháng 10, các tập đoàn quân 6 và 17 (Đức) tăng cường gây sức ép, đẩy lùi tập đoàn quân 21 (Liên Xô) và gây tổn thất nặng cho tập đoàn quân 38, đe doạ phá vỡ các tuyến phòng thủ. Cánh phải của tập đoàn quân 38 không giữ nổi Bogodukhov, xuất hiện nguy cơ quân Đức đột kích Kharkov từ phía bắc. Tại chính giữa mặt trận Xô-Đức, Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) đã khởi động chiến dịch Typhoon tấn công Moskva từ ba hướng. Tình hình bất lợi buộc quân đội Liên Xô rút lui xa hơn về phía đông. Ngày 15 tháng 10, Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô hạ lệnh cho Phương diện quân Tây Nam rút sâu thêm từ 80 đến 200 km, sơ tán triệt để các thành phố Kharkov, Belgorod, các khu công nghiệp Kharkov và Donbass. Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao cũng yêu cầu Phương diện quân Tây Nam chuyển cho Phương diện quân Tây một phần lực lượng để phòng thủ Moskva.[58]

Ngay trong ngày 15 tháng 10, Bộ Tư lệnh phương diện quân Tây Nam họp bàn kế hoạch rút quân. Do độ dài tuyến mặt trận được thu hẹp lại, các sư đoàn kỵ binh 2, 5 và một lữ đoàn xe tăng sẽ được rút ra làm lực lượng dự bị cơ động. Tuyến trung gian khi rút quân ngày 23 tháng 10 sẽ ở Belgorod - Dniepr - Balaklava - Barvenkovo. Hai sở chỉ huy dự bị đặt tại Oboyan và Tsugujiv. Bộ tư lệnh Phương diện quân rời Kharkov lúc 10 giờ ngày 18 tháng 10. Sự ổn định của tuyến phòng thủ phía Liên Xô được tạo ra bởi lữ đoàn xe tăng. Chúng được sử dụng như các lực lượng dự bị cơ động, có thể nhanh chóng di chuyển đến các khu vực bị đe dọa nhiều nhất. Chiến thuật này tránh được nguy cơ đột phá sâu của đối phương trong điều kiện trang bị, phương tiện và nhân lực của phía Liên Xô đã bị tổn thất nặng. Trong giữa tháng 10, 2 lữ đoàn thiết giáp đã được chuyển từ Phương diện quân Tây Nam sang Phương diện quân Nam là nơi mà mức độ nguy hiểm đối với quân đội Liên Xô đã trở nên rất nghiêm trọng.[59]

Ngày 15 tháng 10, quân Đức đến cách Kharkov khoảng cách 50 km và đã có thể xuất phát tấn công từ ba hướng hợp điểm. Một phần của tập đoàn quân 38 (Liên Xô) được giữ lại để bảo vệ thành phố gồm các sư đoàn bộ binh 62, 216, 253 mới thành lập và sư đoàn bộ binh 87 (nguyên là sư đoàn đổ bộ đường không 3). Cụm quân này dựa tuyến công sự phòng thủ khu vực quanh thành phố để kìm giữ quân Đức càng lâu càng tốt. Trên tuyến phòng ngự vững chắc vòng ngoài có tổng chiều dài lên đến 40 km được trang bị khoảng 250 pháo và khoảng 1000 súng máy, súng chống tăng các loại. 3.000 chướng ngại vật chống tăng bằng bê tông và bằng sắt (răng rồng) đã được lắp đặt. Tại chính diện 12 km ở vùng ngoại ô phía tây của thành phố được bao phủ bởi hàng rào dây thép gai. Tại các đường phố chính của thành phố đã xây dựng chướng ngai vật bằng hơn 400 phương tiện giao thông công cộng. 43 cây cầu đô thị và hơn một chục cây cầu không có tầm quan trọng đã bị phá hủy từ trước.[60]. Những người tham gia cuộc phòng thủ tuyên bố họ được chuẩn bị tốt và sẽ chiến đấu đến cùng để giữ thành phố [61]. Những thông tin này được xác định bởi các báo cáo trinh sát của quân đoàn 55 (Đức) trong đó cũng nhấn mạnh "quân Nga sẵn sàng bảo vệ thành phố cho đến người cuối cùng".[62]

Chiến sự từ ngày 15 đến ngày 22 tháng 10

Thực hiện đúng mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô, Bộ tư lệnh phương diện quân Tây Nam đã cho rút quân đợt một vào ngày 20 tháng 10 năm 1941 đến tuyến trung gian Oboyan - Belgorod - Merefa - Zmiev - Balaklaya - Barvenkovo. Cuộc rút quân được tiến hành đồng thời trên ba khu vực thuộc dải hoạt động của các tập đoàn quân 21 và 40 tại Belgorod, của tập đoàn quân 38 tại Kharkov và của tập đoàn quân 6 tại Izium. Theo kế hoạch, tập đoàn quân 38 phải di chuyển sau cùng đến trên đoạn đường dài đến trên 50 km từ tuyến phòng thủ kéo dài về phía tây và mở rộng ở cả cánh phải và cánh trái của nó.[63].

Các tập đoàn quân này đã bị suy yếu do phải rút ra 2 sư đoàn bộ binh và 2 lữ đoàn xe tăng làm lực lượng dự bị cơ động. Ngược lại, quân Đức đã tập hợp đầy đủ đội hình của hai tập đoàn quân 6 và 17 đẻ tấn công Kharkov. Nếu các đơn vị còn lại của Phương diện quân Tây Nam được tổ chức phòng thủ tốt thì có thể hỗ trợ cho tập đoàn quân 38 phòng vệ thành phố. Theo lịch trình định trước của cơ quan tham mưu, đến ngày 23 tháng 8 tập đoàn quân 38 phải giữ được vị trí của họ ở phía tây Kharkov 30–40 km, bảo đảm một khoảng cách an toàn để hoàn thành việc sơ tán và các công việc khác được tổ chức tại thành phố. Tuy nhiên, kế hoạch của các chỉ huy quân đội Liên Xô đã bị phá vỡ vì ngay từ ngày 19 và 20 tháng 10, quân đoàn 55 thuộc tập đoàn quân dã chiến 6 (Đức) đã đánh chiếm cứ điểm Lyubotin rất quan trọng trên tuyến phòng thủ thành phố. Sư đoàn bộ binh 57 của quân đoàn này đã tiến đến ngoại ô Kharkov tại các khu vực Pokotilovka và Pisochyn. Một nỗ lực tổ chức phản công của quân đội Liên Xô nhằm khôi phục lại tình hình đều không đạt kết quả.[61]

Ngày hôm sau, lợi dụng sự đứt đoạn trên tuyến phòng thủ của tập đoàn quân 38 (Liên Xô) tại đoạn tiếp giáp giữa sư đoàn 70 và sư đoàn 300; sư đoàn bộ binh 101 thuộc quân đoàn 17, tập đoàn quân 6 phối hợp với sư đoàn 68 của quân đoàn 11, tập đoàn quân 17 (Đức) đã tấn công vào Zmiev, các sư đoàn 76 và 300 (Liên Xô) bị đánh bật khỏi các thị trấn ở phía bắc và phía nam. Kharkov đã bị bao vây ba mặt. Quân đội Đức Quốc xã đã có thể mở đường đi vòng qua tuyến phòng thủ. Để tăng cường thêm binh lực, tư lệnh tập đoàn quân 38 đã ra lệnh cho sư đoàn bộ binh 216 đang đồn trú tại Kharkov rời khỏi thành phố đến khu vực Peresechnaya để bịt lỗ hổng trên tuyến phòng ngự. Đơn vị này mới thành lập, huấn luyện ít lại chuyển quân vào ban đêm nên không tránh khỏi sự rối loạn khi hành quân. Một trung đoàn bị lạc đến 6 ngày sau mới tìm thấy. Hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn khiến cho một số đơn vị không đến được vị trí theo yêu cầu. Trong các ngày 19 và 20 tháng 10 số quân bị lạc ngũ lên đến 30%.[64]

Đến cuối ngày 20 tháng 10, chủ lực tập đoàn quân 6 (Đức) đã tập trung tại ngoại ô Kharkov. Tuyến phòng thủ còn lại của quân đội Liên Xô rất mỏng yếu. Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô A. M. Vasilevsky yêu cầu phải giữ được thành phố trong vòng hai đến ba ngày tới.[65] Ngày 21 tháng 10, quân đoàn 55 và quân đoàn 11 (Đức) tiếp tục mở cuộc tấn công theo kiểu gọng kìm với ý định bao vây tập đoàn quân 38 tại ngoại vi thành phố. Quân đoàn 55 đã đánh chiếm Dergachy, quân đoàn 11 đã chiếm Merefa. Chiều hôm đó, tập đoàn quân 38 tổ chức phản kích, lấy lại Dergachy và Merefa đẩy lùi hai mũi tấn công vu hồi vào thành phố của quân Đức.[66]

Trên thực tế, vai trò chỉ huy của tập đoàn quân 38 là lực lượng chủ yếu phòng thủ thành phố lại được đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Chỉ huy phòng thủ Kharkov do thiếu tướng I. I. Marshalkov đứng đầu. Vì vậy, các đơn vị thuộc tập đoàn quân này nhiều khi nhận được các mệnh lệnh trái ngược nhau từ hai trung tâm chỉ huy là Sở chỉ huy phòng thủ thành phố và Bộ tư lệnh tập đoàn quân. Và điều đó đã làm rối loạn việc chỉ huy, là một trong những nguyên nhân dân đến việc ngày 22 tháng 10, sư đoàn 216 đã để cho quân Đức lọt vào phố Sverlov.[67] Tình hình này càng trầm trọng thêm khi quân đội Đức Quốc xã tấn công đến các trung tâm thông tin liên lạc, các đường dây liên lạc đến các đơn vị đồn trú đều bị gián đoạn. Bộ chỉ huy phòng thủ thành phố đã không nắm được thông tin và không kiểm soát được các lực lượng của mình trong quá trình chiến đấu.[68]

Cuối cùng thì mọi việc đều do Bộ Tư lệnh phương diện quân Tây Nam quyết định cuối cùng. Nguyên soái S. M. Timoshenko ra lệnh cho rút quân khỏi Kharkov sớm một ngày (ngày 25) so với kế hoạch (ngày 26) để tránh những tổn thất vô ích. Để đối phó với cuộc tấn công vỗ mặt vào thành phố của tập đoàn quân 6 (Đức), chỉ cần một sư đoàn bộ binh (sư đoàn 216) và một lữ đoàn thuộc Bộ dân ủy Nội vụ (lữ đoàn 257) dựa vào các công trình phòng thủ và các tòa nhà kiên cố cũng có thể kìm chân quân Đức ít nhất là 5 ngày (sau này kết quả đạt được là 7 ngày)[66]. Toàn bộ xe tăng mới được rút ra. 4 xe tăng hạng trung T-35 đã được thanh lý, ghi vào danh mục sắt vụn và đang trên đường vào lò tuyện thép đã được giữ lại và phục hồi để đối phó với hơn 30 xe tăng Đức trên hướng này.[69]

Chiến sự từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 10

Trong hai đơn vị chủ lực bảo vệ Kharkov thì lữ đoàn 257 bộ binh của Bộ dân ủy Nội vụ do đại tá M. G. Sokolov chỉ huy là đơn vị được huấn luyện tốt hơn, trang bị nhiều súng tự động và chiến đấu có hiệu quả hơn cả. Sư đoàn bộ binh 216 của Đại tá D. F. Makshanov mới được thành lập vào đầu tháng 10 năm 1941 bao gồm binh sĩ nghĩa vụ và binh sĩ thuộc các đơn vị hậu cần, chưa qua huấn luyện, chủ yếu được trang bị súng trường. Ngoài ra còn có trung đoàn dân quân Kharkov, tiểu đoàn huấn luyện bộ binh địa phương quân và các đội chống tăng. Hầu hết quân số này đều là cư dân địa phương với nhiều độ tuổi khác nhau, ghi tên tình nguyện nhập ngũ, hầu như không được huấn luyện và cũng chỉ được trang bị một số ít súng trường. Cụm quân này có 47 xe thiết giáp gồm toàn loại lỗi thời: 25 chiếc T-27, 13 chiếc T-16, 5 chiếc T-26 và 4 chiếc T-35 lẽ ra đã thanh lý. Tổng số quân bảo vệ thành phố Kharkov có 19.898 người với 120 pháo hạng nhẹ và súng cối.[70]

Sáng ngày 23 tháng 10 năm 1941, quân Đức bắt đầu các trận đánh trinh sát. Sau vài giờ, sư đoàn 57 đã tiến đến các cứ điểm thuộc khu Novyi Bavaria ở ngoại ô phía tây Kharkov. 12 giờ trưa ngày 23 tháng 10, quân đoàn 55 Đức sử dụng các sư đoàn bộ binh nhẹ 100 và 101 (từ quân đoàn 17 phối thuộc) tấn công thành phố từ hướng Bắc và hướng Nam, sư đoàn bộ binh 57 tấn công chính diện hướng Tây. Tại mỗi trung đoàn Đức đều có một tiểu đoàn bộ binh xung kích được trang bị máy dò mìn, sơn pháo 75 mm kiểu IG-18, mô tô và xe bọc thép. Mở màn cuộc tấn công là các trận pháo kích dữ dội của các loại pháo hạng nặng 211 mm Mrs-18 và 150 mm sFH-18. Các đơn vị bộ binh hoạt động trong khu vực đô thị được trang bị tiểu liên StuG III và pháo chống tăng 88 mm FlaK 38/41.[71]

Sư đoàn 57 (Đức) tấn công chậm dọc theo các phố PoltavaSverdlov theo hai đường song song hướng đến nhà ga Kharkov sau khi vượt qua mấy ổ đề kháng của sư đoàn bộ binh 216 (Liên Xô). Dọc theo chiều dài của toàn bộ đường phố, quân Đức phải nhiều lần dừng lại để khắc phục các vật cản trên các giao lộ, các bãi mìn, mìn bẫy và hào chống tăng. Buổi tối, sư đoàn 57 (Đức) đã tiến đến cây cầu chung đường bộ đi Sverdlovsk và đường sắt đi Kholodnogorsk. Mặc dù cầu đã bị các công binh Liên Xô phá hỏng một phần nhưng phần còn sót lại vẫn có thể dùng cho bộ binh đi qua được.[72] Mũi tiến công từ phía nam của sư đoàn bộ binh nhẹ 100 (Đức) đã không đạt kết quả do sự kháng cự rất mạnh của lữ đoàn bộ binh 57 (quân Bộ Nội vụ Liên Xô). Đơn vị có được thành công đáng kể của quân đội Đức trong ngày tấn công đầu tiên là sư đoàn bộ binh nhẹ 101. Sư đoàn này đã tiến qua các khu vực Lysi Gory (của Kharkov), chiếm cây cầu đường sắt Kuzinsky và tiến đến bờ Tây sông Lopan. Các nỗ lực của lực lượng đặc nhiệm Đức đột nhập vào thành phố từ phía bắc đến đại lộ Belgorod đã bị các đơn vị dân quân Liên Xô phòng thủ ở khu vực Sokolniki (của Kharkov) chặn lại.[73]

Kết quả của ngày giao chiến đấu tiên là quân đội Đức đã chiếm được nửa phía tây thành phố được phân chia bởi con đường sắt chạy từ Bắc xuống Nam Kharkov. Tại một số nơi, quân Đức đã tiến sâu thêm về phía đông. Lo sợ bị hợp vây, Sở chỉ huy sư đoàn bộ binh 216 (Liên Xô) ra lệnh rút quân sang bờ Đông sông Lopan trên tuyến phòng thủ trung gian theo kế hoạch rút lui. Tư lệnh tập đoàn quân 38 đã hủy bỏ lệnh rút và yêu cầu sư đoàn này tiến hành các cuộc phản kích vào quân Đức tại phía tây thành phố. Tuy nhiên, việc rút lui cuối cùng cũng đã được Bộ Tư lệnh phương diện quân Tây Nam quyết định. Các đơn vị của tập đoàn quân 38 (Liên Xô) bắt đầu rút qua bờ đông sông Lopan, công binh Liên Xô bắt đầu đặt mìn phá các cây cầu qua sông.[74] Tổng hợp tình hình chiến sự ngày đầu tiên, Bộ tư lệnh Phương diện quân Tây Nam kết luận rằng việc tổ chức phòng thủ thành phố đã không đạt yêu cầu đề ra. Việc sử dụng các đơn vị dân quân không qua huấn luyện chiến đấu rõ ràng là không phù hợp. Ngay sau khi đối phương đột nhập vào các vùng ngoại ô, một bộ phận đã hoảng hốt và bắt đầu rút lui nhanh chóng về khu vực trung tâm. Do thiếu sự liên lạc, sự gắn kết và kém tổ chức giữa các bộ phận của các đơn vị và các mệnh lệnh mâu thuẫn, Sở chỉ huy phòng thủ Kharkov trên thực tế đã bị mất hoàn toàn quyền kiểm soát đối với các hành động của các đơn vị thuộc quyền ngay từ giờ chiến đấu đầu tiên và mọi việc chỉ đạo tác chiến đều do tập đoàn quân 38 đảm nhận.[75].

Kharkov tan hoang sau cuộc tấn công tháng 10 năm 1941 của quân đội Đức Quốc xã, hầu hết các tòa nhà cao tầng (trừ nhà thờ trung tâm) đều bị phá hủy hoặc hư hại nặng

Sáng ngày 24 tháng 10 năm 1941, quân Đức đã chiếm được các khu phố nằm giữa đường sắt và các con sông, tiến đến bờ sông Lopan. Tư lệnh sư đoàn 216 (Liên Xô) đã bỏ các khu phố phía tây sông Lopan, rút sở chỉ huy sư đoàn sang bờ Đông mà không được phép. Thậm chí, do không kiểm tra kỹ các thiết bị phá nổ, công binh đã không phá được cây cầu Bolshoi Lopansky. Sau khi nghe những lời giải trình không hợp lý từ sư đoàn trưởng sư đoàn 216, tướng V. V. Tsyganov, tư lệnh tập đoàn quân 38 đã cách chức ông này và cử lữ đoàn trưởng P. F. Zhmachenko thay thế.[76]

Trong buổi sáng, một trung đoàn của sư đoàn 57 (Đức) được sự yểm trợ của pháo binh, máy bay và pháo tự hành đã cố gắng đánh bật quân đội Liên Xô khỏi khu vực University Gorka (Университетская горка) để đánh chiếm đầu cầu Bolshoi Lopansky trên bờ Đông. Hai trung đoàn còn lại của sư đoàn này đã tiến đến các nhà ga Balashovka, Levada và các nhà máy công nghiệp quanh đó. Sư đoàn bộ binh nhẹ 101 (Đức) tấn công dọc theo phố Klochkov đến Công viên văn hóa Maxim Gorky, nhà máy sản xuất máy bay, hãng Gosprom, Quảng trường Dzerzhinsky và tiếp tục tiến dọc theo sông Lopan về phía nam. Giao tranh ác liệt nhất trong ngày đã diễn tại Quảng trường Dzerzhinsky và con phố Karl Liebknecht liền kề. Các đơn vị dân quân đã giữ được vị trí trong hơn 5 giờ trước đối phương có ưu thế binh lực vượt trội. Một bộ phận của lữ đoàn 57 (Bộ Nội vụ) vẫn kiên trì bảo vệ các cứ điểm tại nhà ga Osnov và khu vực phụ cận, đẩy lùi các cuộc tấn công của sư đoàn bộ binh nhẹ 100 (Đức). Phải đến 3 giờ chiều, quân Đức mới chiếm được quận Nagorno (khu vực trung tâm của Kharkov). Các đơn vị đồn trú của Liên Xô bị chia cắt thành từng ổ đề kháng nhỏ, bị cô lập nhưng vẫn tiếp tục kháng cự.[77] Ngày 26 tháng 10, cố gắng tổ chức phản kích bằng các lực lượng dự bị ít ỏi cuối cùng của sư đoàn bộ binh 216 và lữ đoàn 57 (NKVD) trên đại lộ Stalin (nay là đại lộ Moskovsky) gần Quảng trường Rudnev đã không thành công. Buổi tối cùng ngày, quân Đức đã tiến đến phía đông thành phố. Sau khi thay D. F. Makshanov chỉ huy sư đoàn 216, lữ đoàn trưởng P. F. Zhmachenko đã tập hợp số quân còn lại tính ra chỉ hơn 2 tiểu đoàn. Sáng 27 tháng 10, số quân cùng với các nhóm nhỏ còn lại của quân đội Liên Xô tập trung tại nông trang Saburov và bắt đầu chia làm hai tốp rút về phía đông.[78]

Mặt trận ổn định

Trong khi các đơn vị của tập đoàn quân 38 vẫn còn chiến đấu trong khu vực Kharkov thì các tập đoàn quân khác của Phương diện quân Tây Nam (Liên Xô) tiếp tục rút lui. Ngày 24 tháng 10 năm 1941, tuyến phòng thủ của tập đoàn quân 21 (Liên Xô) bị vỡ, một phần quân đoàn 29 bị bao vây ở Belgorod. Việc rút quân của quân đội Liên Xô được tổ chức trong điều kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt. Những trận mưa lớn liên tục đã làm trôi nhiều đoạn đường, có những tuyến đường đã không thể sử dụng được[61]. Hơn nữa, một phần lớn các phương tiện vận tải cơ giới bị buộc phải ngừng hoạt động trên các tuyến đường vì thiếu nhiên liệu. Những vấn đề tương tự cũng đã xảy ra đối với các đơn vị của quân đội Đức tại Cụm tập đoàn quân Nam khi họ đuổi theo các đơn vị Liên Xô đang rút lui. Cũng vì thời tiết xấu mà cuộc rút quân của Phương diện quân Tây Nam (Liên Xô) thoát khỏi sự truy cản của không quân Đức. Bộ Tư lệnh tập đoàn quân 6 (Đức) tin rằng phần lớn lực lượng cơ bản của đối phương đã bị đánh bại và khó có thể phục hồi nhanh nên quân Đức tại khu vực mặt trận này đã có thể tạm thời chuyển sang phòng thủ vào cuối mùa thu năm 1941 khi tập đoàn quân xe tăng 2 (Đức) được lệnh trở về Cụm tập đoàn quân Trung tâm để tấn công Moskva từ hướng Tây Nam trong Chiến dịch Typhoon.[79]

Đến ngày 27 tháng 10, các lực lượng cơ bản của các tập đoàn quân 21, 38 và 40 (Liên Xô) đã thoát khỏi nguy cơ bị hợp vây và nối lại liên lạc với nhau ở các bên sườn. Tập đoàn quân 6 có 5 sư đoàn nhẹ đã thiết lập được các trận địa phòng thủ dọc theo tuyến Donets Seversky. Tình hình mặt trận trở lại yên tĩnh. Trong các ngày 28 và 29 tháng 10, tại khu vực các tập đoàn quân 21 và 38 không có một cuộc chạm súng nào. Vào cuối tháng 10, quân Đức không tiếp tục gây áp lực, ngoại trừ việc họ chiếm được một vài đầu cầu nhỏ ở phía đông sông Bắc Donets nên Bộ tư lệnh Phương diện quân Tây Nam (Liên Xô) quyết định ngừng rút quân và thiết lập tuyến phòng thủ mới từ Tim qua Balaklaya, Izium, dọc theo sông Bắc Donets đến Yampol. Trên tuyến này, quân đội Liên Xô đã có thể sử dụng được tuyến đường sắt quan trọng từ Kastornoye qua Kupiansk đi Lisichansk để cơ động lực lượng giữa Phương diện quân Tây Nam và Phương diện quân Nam. Đây cũng là tuyến xuất phát có lợi để Phương diện quân Tây Nam (Liên Xô) chuẩn bị cho một đòn công kích lấy lại Kharkov mà họ dự định sẽ tiến hành vào đầu mùa hè năm sau.[80]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Kharkov_(1941) http://ww2db.com/battle_spec.php?battle_id=58 http://web.archive.org/20010317223742/railway.by.r... http://chtz-uraltrac.ru/articles/categories/24.php http://lib.ru/MEMUARY/STARINOW/soldat.txt http://militera.lib.ru/bio/karpov/25.html http://militera.lib.ru/db/halder/1941_11.html http://militera.lib.ru/memo/russian/grechko_aa2/02... http://militera.lib.ru/memo/russian/popel1/05.html http://militera.lib.ru/memo/russian/starinov_ig/31... http://www.silverwings.ru/sec9/pos508